Cách nuôi chó con khỏe mạnh thông minh và mau lớn
PHƯƠNG PHÁP NUÔI CHÓ CON MAU LỚN, KHỎE MẠNH VÀ THÔNG MINH
Chó kích cỡ nhỏ (cân nặng tối đa < 11 kg): Poodle, Chihuahua, Phốc sóc (Pomeranian),...
Chó kích cỡ trung bình (cân nặng tối đa từ 11 - 25 kg): Corgi, Samoyed, Border Collie, Shiba, English Bulldog, Bull Pháp,...
Chó kích cỡ lớn (cân nặng tối đa > 25 kg): Alaska, Husky, Labrador, Golden Retriever, Rottweiler, Ngao Tây Tạng, Akita, Doberman, Great Dane,...
3 quy tắc cơ bản dành cho chó con mới về nhà
Đừng cho phép chó con làm bất cứ thứ gì chúng muốn với lý do rằng chúng "còn nhỏ mà". Chó con có thể phân biệt rất nhanh những việc nào được phép hay bị cấm và nhớ rất dai nên khi đã hình thành thói quen xấu, bạn cũng khó sửa hơn.
Đặt ra những quy tắc và giới hạn cho chó con ngay từ đầu. Nếu bạn cho phép chúng leo lên giường hay sofa một cách dễ dàng, chúng sẽ khó thay đổi thói quen này.
Đừng cho chó con ăn thức ăn thừa. Thói quen này thường làm chó xin ăn nhiều hơn và làm cún tăng cân và gặp vấn đề về đường tiêu hóa vốn dĩ còn rất non nớt.
Chó con về nhà mới là một sự kiện đầy hứng khởi của cả gia đình.
Dù chú chó con mới này là Alaska thuần chủng hay chó lai; được cho tặng hay được mua với giá bao nhiêu chăng nữa thì chúng cũng xứng đáng nhận được một cuộc sống đầy đủ tình thương. Tình cảm đó được thể hiện qua việc lên kế hoạch chăm sóc, nuôi dạy chi tiết từ môi trường sống, cách chăm sóc, huấn luyện, dinh dưỡng,… dành cho chó con trong hầu hết vòng đời của chúng.
Chó của bạn cần gì? (ảnh: www.cityzoo.vn)
Những nội dung chia sẻ cách nuôi chó con dưới đây được đúc kết từ nghiên cứu của các chuyên gia từ ROYAL CANIN và được áp dụng trên mọi chú chó con mọi kích cỡ từ to lớn như Alaska, Husky, Labrador, Golden Retriever, Rottweiler, Samoyed, Pitbull, Ngao Tây Tạng, Akita, Shiba, Doberman đến dòng chó nhỏ như Pug, Chihuahua, Corgi, Phốc sóc,… hay chó Phú Quốc và chó ta lai.
Mọi thắc mắc về cách chăm sóc chó, huấn luyện chó và dinh dưỡng cho chó con đều được giải đáp theo trình tự tại bài viết này. Bạn hãy tìm trong từng mục. Nếu trường hợp của chó nhà bạn quá đặc biệt, hãy để lại bình luận bên dưới
Chuẩn bị phụ kiện cần thiết cho chó con
Khi nào nên sử dụng vòng cổ (yếm) và dây dắt cho chó con?
Ngay cả khi chú chó con nhà bạn đang ở trong vườn, chúng tôi cũng khuyên bạn nên sử dụng một chiếc vòng cổ (hoặc yếm) và dây dắt cho chó con càng sớm càng tốt.
Hãy chắc rằng chiếc vòng cổ được đeo thoải mái và sẽ không trượt ra khỏi đầu hay làm chúng ngạt thở. Nếu bạn có một con chó dòng size mini (nặng tối đa dưới 11 kg), hoặc chó của bạn đặc biệt nhạy cảm với vòng cổ, hãy sử dụng một chiếc yếm để thay thế.
Bí quyết chọn đồ chơi cho chó con
Đồ chơi là một món đồ có ý nghĩa quan trọng khi huấn luyện chó. Những món đồ chơi cao su có độ bền cực kỳ cao, không thể phá hủy và sử dụng được nhiều năm.
Hãy chọn một món đồ chơi nhỏ vừa đủ với chú cún của bạn vì chúng chỉ mới mọc răng sữa. Tuy nhiên, hãy luôn chọn đồ chơi to gấp đôi kích cỡ miệng của cún để ngăn chúng nuốt dẫn đến mắc nghẹn. Lưu ý kiểm tra tình trạng đồ chơi hoạt động tốt và an toàn trước khi cho chó con chơi.
Gợi ý: đồ chơi KONG cho chó con
Có nhiều dạng đồ chơi cho chó tùy theo nhu cầu, kích cỡ chó và từng độ tuổi (ảnh: www.cityzoo.vn)
Sử dụng 2 chén ăn cho chó. Tại sao?
Câu trả lời là: một chén dành đựng nước, chén còn lại đựng thức ăn cho chó. Nên sử dụng loại chén ăn uống bằng thép không gỉ vì chúng dễ chùi rửa, bền, ít bám bụi bẩn, khó vỡ hay sứt mẻ.
Chuẩn bị giường ngủ
Sử dụng đệm, mền, ổ nằm hay cũi tùy thuộc vào khu vực nằm ngủ của chó con. Giấc ngủ của chó con cần được quan tâm để chúng cảm thấy thoải mái nhất có thể.
Lưu ý kích thước chỗ ngủ phải phù hợp với kích cỡ chó phát triển liên tục. Ở đây cũng cần lưu ý giữ sạch sẽ và khô ráo.
Tại sao chải lông lại quan trọng với chó?
Việc chăm sóc lông thường xuyên sẽ giúp chó con làm quen dần. Chải lông là lúc bạn thường phát hiện ra những vết thương kín hay những vật ký sinh. Ngoài ra, đây cũng là dịp để bạn tiếp xúc với chó con nhiều hơn nhờ đó xây dựng mỗi quan hệ khăng khít.
Vào mùa chó thay lông, bạn càng phải chú ý chải lông nhiều hơn. Với loại lược chải lông chuyên dụng ngăn rụng lông, bạn sẽ chải ra hết toàn bộ lượng lông chết nhờ đó chó sẽ không còn rụng lông nữa.
Set phụ kiện cho chó đầy đủ tiện ích tại Cityzoo (ảnh: www.cityzoo.vn)
Chó con ăn gì?
Nếu chó con nhà bạn được mang về từ một trại nhân giống uy tín, hãy nghe theo lời khuyên của chủ trại về dinh dưỡng. Sau đó hãy hướng chó con ăn theo chế độ dinh dưỡng cân bằng với thức ăn hạt và pate ướt dành riêng cho chó con một cách dần dần.
Đặc biệt là với những dòng chó kích cỡ lớn như: chó con Alaska, Husky, Labrador, Golden Retriever, Rottweiler, Ngao Tây Tạng, Akita, Doberman, Great Dane (chó kích cỡ lớn là chó có cân nặng tối đa trên 25kg), chúng càng cần thức ăn chó con đầy đủ năng lượng, protein, chất béo, tinh bột, axit amin, khoáng chất cân bằng và được phân loại tùy theo độ tuổi.
Lưu ý: nguồn dinh dưỡng dành cho dòng chó kích cỡ nhỏ (có cân nặng tối đa dưới 11 kg) hoàn toàn khác với dòng chó kích cỡ trung bình (< 25 kg) và chó kích cỡ lớn và tùy theo độ tuổi.
Trong thời gian đầu về nhà mới sẽ gặp tình trạng chó con bỏ ăn, lúc đó bạn chỉ cần biết cún thích ăn gì và trộn thức ăn hạt Royal Canin vào đó dần dần trong 7 ngày từ 20% đến 100%. Chó con thường rất dễ ăn nên chỉ bỏ ăn trong 1-3 ngày đầu. Sau đó chúng sẽ ngoan ngoãn và vui chơi khắp nhà sớm thôi.
Sắp xếp khu vực sinh hoạt của chó con
Nơi đặt chén ăn uống cho chó con
Hãy chọn một nơi đủ xa nơi cả gia đình thường ăn và cho chó ăn vào một khung giờ cố định lệch với khung giờ ăn của nhà bạn. Lưu ý để chó thoải mái và ở một mình khi ăn.
Chó con nên ngủ ở đâu ?
Chỗ ngủ là nơi chó nghỉ ngơi và thư giãn nên cần tạo cảm giác an toàn nhất, tránh xa cửa sổ và cửa chính. Khi đã chọn được vị trí thích hợp, đừng thay đổi vì chúng cần sự ổn định.
Lưu ý
Trong nhà: nên nhớ rằng chó con thường hay gặm mọi thứ chúng thấy trong nhà. Vì vậy, tốt hơn hết là bạn nên kiểm tra đường dây điện. Ngoài ra, cửa sổ, ban công hay cầu thang cũng là nơi dễ gây tại nạn cho cún nhất.
Các sản phẩm tẩy rửa hay cây trồng trong nhà cũng có thể chứa nhiều độc tố nguy hiểm đến chó. Đặc biệt, hãy cẩn thận với thuốc chữa bệnh hay một số loại thực phẩm nguy hiểm cho chó như sô cô la, hành tây và muối.
Khi cho chó ra ngoài: Hãy kiểm tra kỹ các hố đào trong vườn và kẽ hở quá lớn ở hàng rào mà chó con có thể lẻn ra ngoài đi chơi không kiểm soát.
Còn nữa, một số loại cây có độc trong vườn, thuốc diệt cỏ, thuốc diệt côn trùng hoặc phân bón hóa học cũng cần để xa tầm với của chó con. Một số loài vật có thể tấn công chó con trong vườn như: ong, bọ cạp, rắn, rết,.. càng cần lưu tâm hơn.
Giúp chó con làm quen với các thành viên trong gia đình và thú cưng khác
Làm sao để chó con lạ nhà làm quen với trẻ em trong nhà?
Trẻ em thường vô tư với nhiều trò nghịch bất ngờ làm chó con lo sợ. Đừng bỏ mặc chúng như thế. Hãy đề nghị trẻ ngồi xuống và huấn luyện chó con lại gần trẻ một cách từ tốn.
Hãy giải thích với trẻ em rằng chó con rất chịu lắng nghe và không cần phải tỏ ra e sợ gì cả. Tốt hơn hết hãy gọi tên cún một cách nhẹ nhàng để tránh làm chúng sợ.
Để trẻ cảm thấy có trách nhiệm với chó con, hãy nói chuyện nghiêm túc với trẻ về những nhiệm vụ chăm sóc chó như: thời gian cho ăn, thay nước, dẫn chó đi dạo hay quy tắc cơ bản nuôi cún trong nhà.
Làm sao để chó con lạ nhà làm quen với mèo nhà?
Chó con vs. Mèo nhà (ảnh: www.cityzoo.vn)
Quy tắc vàng: chú mèo hiện tại luôn nghĩ chúng là số 1 trong nhà, thế nên đừng làm xáo trộn mọi thói quen của mèo. Đừng thể hiện bất kỳ sự ưu tiên nào cho chú chó mới, điều này có thể khiến mèo ta cảm thấy bị bỏ rơi.
Việc sống chung thực sự rất phức tạp. Nếu một trong hai con vẫn còn quá nhỏ, điều đó sẽ ít vấn đề hơn. Hầu hết các trường hợp, cả chó và mèo sẽ tự tìm cho mình một khu vực an toàn và thoải mái nhất, sau đó tránh động chạm với con còn lại.
Đầu tiên, mèo có xu hướng hay ngờ vực. Mèo có thể trốn sau tủ chén hay bất cứ đâu khiến chúng cảm thấy an toàn và đợi đến khi chúng chắc là cún không thể gây nguy hiểm. Với mèo, không có lý do gì phải vội cả. Một khi mèo rời khỏi nơi trú ẩn, chắc chắn rằng cả hai sẽ sống trong hòa bình.
Mỗi vật cưng đều phải có cho riêng chúng một nơi an toàn mà chúng cảm thấy thoải mái. Mèo vốn dĩ rất yêu hòa bình, việc tránh xa chú chó con chỉ đơn giản hành động tự vệ và chạy trốn để chờ đến khi mọi việc ổn thỏa hơn.
Làm sao để giới thiệu cún con lạ nhà với chó nhà?
Quy tắc vàng: chú chó hiện tại luôn nghĩ rằng chúng là số 1 trong nhà, thế nên đừng làm xáo trộn mọi thói quen của chúng. Đừng thể hiện bất kỳ sự ưu tiên nào cho chú cún mới, điều này có thể khiến chó lớn cảm thấy bị bỏ rơi.
Hai chú chó thường không mất quá nhiều thời gian để sống cùng nhau và trở nên thân thuộc. Chó ở mọi kích cỡ đều có thể làm quen với nhau nhanh chóng nếu khuôn viên nhà đủ lớn cho cả hai. Nếu chú chó nhà đã lớn tuổi thì sẽ có chút khó khăn khi cả hai cùng chia sẻ không gian trong nhà, đặc biệt khó hơn khi cả hai đều thuộc giống đực.
Hãy giới thiệu những chú chó với nhau trong một không gian không phải "lãnh thổ" của chó nhà như khu vực ngoài nhà để đảm bảo rằng chú chó nhà không cảm thấy bị "đe dọa lãnh thổ". Hãy chắc rằng cả hai đều được giữ chặt bằng dây dắt. Lúc này, chúng sẽ ngửi nhau như một động thái "chào hỏi" và thăm dò đối phương.
Việc mang một con cún về với một chú chó có tuổi sẽ có lợi cho cả hai. Cún con sẽ mang làn gió mới về cho chú chó lớn tuổi, đổi lại, chú cún sẽ được giáo dục một cách tự nhiên từ chó lớn tuổi.
Chọn lựa chế độ dinh dưỡng đúng ngay từ đầu cho chó con
Tại sao không nên cho chó ăn thức ăn của người?
Người là loài động vật ăn tạp, và có thể ăn mọi thứ. Giờ hãy thử so sánh tình trạng sinh lý học giữa người và chó:
Hàm của chó được thiết kế để cắt thức ăn hơn là nhai và nghiền nát, việc thiếu men tiêu hóa trong nước bọt khiến chó cần cơ quan dạ dày mạnh hơn, ngoài ra đường ruột củachó ngắn với lượng lợi khuẩn hỗ trợ tiêu hóa ít hơn ở người.
Những điều này có nghĩa là chỉ cần một sự thay đổi chế độ ăn đột ngột cũng có thể dẫn đến vấn đề dạ dày ở chó. Đặc biệt là chó con. Vì vậy, một chế độ ăn hấp dẫn với con người chưa chắc đã lý tưởng với chó. Hơn nữa, nhu cầu dinh dưỡng hàng ngày về protein và chất béo của chó cũng nhiều hơn con người.
Royal Canin phân loại thức ăn cho chó theo kích cỡ (Mini / Medium / Maxi) và độ tuổi (Starter / Puppy / Adult) (ảnh: www.cityzoo.vn)
Mức dinh dưỡng chính xác và nhất quán chính là chìa khóa quan trọng giúp chó khỏe mạnh
Tại sao cún con không nên ăn khẩu phần của chó trưởng thành?
Đầu tiên, chúng ta hãy xem thử một đứa bé có ăn thức ăn của người lớn không? Rõ ràng là không. Những đứa trẻ có hệ tiêu hóa mỏng manh, một chiếc hàm bé và thậm chí chưa mọc răng. Vì vậy, chúng không thể cắn dù là một quả táo.
Việc so sánh nét đặc trưng của hai loài sẽ cho thấy rõ vì sao một chú chó con cần dinh dưỡng khác với chó trưởng thành.
Tăng trưởng là một giai đoạn quan trọng mà mọi chức năng sinh lý học ở chó con đều đang phát triển khác nhau, và đặc biệt nhất là hệ miễn dịch và hệ tiêu hóa. Ở giai đoạn này, cún cần nguồn năng lượng khổng lồ chia làm 2 kỳ.
Cho đến khi đạt mốc 8 tháng tuổi, chó con sẽ có một mức phát triển cực kỳ mạnh mẽ về khung xương. Sau đó, cơ thể chúng sẽ bổ sung lượng cơ bắp phù hợp với khung xương đó.
Chế độ dinh dưỡng trong suốt thời kỳ tăng trưởng này đóng một vai trò quan trọng trong tình trạng sức khỏe và hình thái của chó con trong tương lai.
Quá trình tăng trưởng của chó con kích cỡ lớn
Ví dụ : chó con Alaska, Husky, Labrador, Golden Retriever, Rottweiler, Ngao Tây Tạng, Akita, Doberman, Great Dane (cân nặng tối đa trên 25kg)
Chó con dòng lớn có xu hướng gặp vấn đề về dinh dưỡng trong suốt giai đoạn phát triển quan trọng của chúng. Sự tăng trưởng kéo dài từ 18 đến 24 tháng và được chia làm 2 giai đoạn rõ rệt: đầu tiên chó lớn lên, sau đó chó bắt đầu phát triển cơ bắp.
Bởi vì sự phát triển khung xương nhanh chóng này mà những chú chó con kích cỡ lớn như Alaska, Husky, Labrador, Golden Retriever, Rottweiler, Ngao Tây Tạng, Akita, Doberman, Great Dane,… cần canxi và phốt pho hơn dòng chó nhỏ.
Nếu chó con tăng cân quá nhanh, tải trọng quá lớn tạo gánh nặng lên khung xương đang trong quá trình phát triển sẽ mang lại tác hại nghiêm trọng cho sức khỏe tương lai của chó khi chúng trưởng thành. Vì vậy, việc cho ăn quá đà cũng sẽ khiến chó con dòng lớn mắc hội chứng rối loạn viêm cơ xương khớp.
Hệ miễn dịch của dòng chó lớn yếu hơn chó nhỏ, vì cơ quan tiêu hóa của chúng quá nhỏ so với trọng lượng toàn bộ cơ thể, xét về tỷ lệ.
Nhu cầu bổ sung năng lượng của chó con
Trong suốt giai đoạn phát triển đầu tiên, từ 2 đến 7 tháng tuổi, cấu trúc xương của chó con sẽ phát triển rất mạnh nên chúng tăng cân liên tục, thậm chí là từng ngày. Để bù đắp cho hoạt động trao đổi chất lớn này, chó con phải mất gấp đôi mức năng lượng so với chó trưởng thành, cũng như chú ý đáp ứng đủ lượng canxi và phốt pho.
Chế độ dinh dưỡng dành cho chó con không chỉ bắt buộc phải đáp ứng đủ nhu cầu dinh dưỡng này mà còn phải đảm bảo không tăng cân quá mức.Điều này giải thích tại sao chúng ta cần cung cấp cho chó con một chế độ dinh dưỡng chất lượng, cân bằng, đủ số lượng và tần suất cho ăn.
Việc tăng tải trọng lên khung xương trong quá trình phát triển có thể khiến chó mắc bệnh vè cơ - xương - khớp, còn việc cho ăn quá nhiều sẽ ảnh hưởng đến hệ tiêu hóa của cún.
Ở giai đoạn sau đó, chó tiếp tục phát triển nhưng chậm hơn. Chúng sẽ hoàn tất quá trình xây dựng khung xương, sau đó bổ sung thêm cơ bắp. Đây là giai đoạn cực kỳ nhạy cảm với chó con nên cần được theo dõi sát sao hơn
Đừng cho chó con thức ăn thừa hoặc thưởng thêm nhiều.
Hệ tiêu hóa của chó con
Trong khoảng thời gian chó con cai sữa, hệ tiêu hóa của chúng chưa thể phát triển toàn diện. Nếu chó con không thể tiêu hóa bình thường, chúng sẽ không thể hấp thu dưỡng chất cần thiết và thường tỏ ra mệt mỏi, bị nôn, tiêu chảy và lớn chậm.
Nguồn dinh dưỡng chất lượng trong thời điểm này sẽ giúp chó con phát triển hài hòa và tiêu hóa tốt nhất, nghĩa là chó con sẽ hấp thu dinh dưỡng hiệu quả nhất.
Hệ miễn dịch của chó con
Trước khi chào đời, chó con luôn được giữ an toàn và ấm áp trong bụng mẹ. Hệ tiêu hóa của chó con rất non nớt và sống nhờ vào kháng thể của chó mẹ qua sữa non.
Trong thời gian này, chúng khám phá mọi thứ từ môi trường sống nên rất cần hệ miễn dịch khỏe mạnh tiêu diệt mầm bệnh.
Giai đoạn chó con vừa mới dứt sữa (mất đi sự bảo vệ từ sữa mẹ) và cơ thể vẫn chưa tự sản sinh ra cơ chế tự bảo vệ, cún rất dễ mắc các bệnh lây nhiễm. Giai đoạn này được gọi là "immunity gap".
Chế độ dinh dưỡng trong giải đoạn này phải bao gồm chất chống oxi hóa và prebiotics để giúp chó con tăng cường khả năng tự bảo vệ
Cho chó con ăn ở đâu, khi nào và như thế nào?
Việc cho chó ăn cần có một giờ giấc cụ thể. Hãy cho chó ăn mỗi ngày tại một nơi cụ thể trong một khung giờ cố định và chắc rằng nơi đó thực sự thoải mái với chó.
Nếu có thể, hãy tránh để chó vận động ngay sau khi ăn, đặc biệt là chó con dòng lớn để tránh nguy cơ xoắn đường ruột.
Hãy chắc rằng chó con luôn có đủ nước và chén nước sạch. Lưu ý: không cho chó con uống sữa vì điều này không tốt cho sức khỏe hệ tiêu hóa của chúng.
Với cún dưới 6 tháng tuổi, hãy cho chúng ăn 3 bữa / ngày. Sau 6 tháng, cún có thể ăn 2 bữa / ngày. Không cho ăn thêm gì ngoài bữa ăn chính để tránh tình trạng thừa cân
Hãy dành cho cún khoảng 10 phút ăn và đừng phiền chúng. Đợi đến khi cún ngừng ăn, hãy dọn thức ăn thừa và để đến lần ăn sau.
Thưởng thức ăn cho chó - nên hay không?
Để cún giữ được cân nặng lý tưởng thì bạn nên hạn chế cho chúng ăn dặm thêm ngoài bữa ăn chính.. Hãy sử dụng loại thức ăn hạt có ít năng lượng để thưởng trong suốt quá trình huấn luyện. Sau mỗi bao thức ăn hạt cho chó ROYAL CANIN đều có gợi ý số lượng cụ thể mỗi ngày để chó có một chế độ dinh dưỡng cân bằng.
Lưu ý không cho chó con ăn nhiều đường và sô cô la, đây là hai trong số những loại thực phẩm nguy hiểm nhất với chó.
… còn tiếp
>>> Với bất kỳ thắc mắc nào, bạn vui lòng để lại câu hỏi bên dưới, Cityzoo sẽ trả lời chi tiết. Cảm ơn bạn đã theo dõi <<<
---------------------------------------------------------------------------------------------------------
Bài viết: CÁCH NUÔI CHÓ CON THÔNG MINH, KHỎE MẠNH VÀ MAU LỚN
Nguồn: www.royalcanin.com
Biên soạn: www.cityzoo.vn - nhà phân phối chính thức thương hiệu ROYAL CANIN tại Việt Nam
[Vui lòng trích nguồn khi đăng lại nội dung này]